Những vướng mắc, khó khăn nếu tiếp tục không được sớm tháo gỡ thì trường hợp các doanh nghiệp bất động sản ồ ạt giải thể rất lớn. Do đó, nhiều chuyên gia đưa ra giải pháp khơi thông nguồn vốn bằng hoạt động M&A, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Theo dữ liệu khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) với các hội viên là doanh nghiệp bất động sản cho thấy nếu tình hình thị trường vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn thì có tới 23% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được tới hết quý II/2023 và chỉ khoảng 43% trụ được đến hết năm 2023.
Trong bối cảnh nguồn tiền hạn hẹn, vướng mắc thủ tục đầu tư, pháp lý kéo dài, thanh khoản sụt giảm, điều kiện vay vốn ngày càng khó khăn khiến doanh nghiệp phải tính đến M&A. Do đó, thời gian tới, thị trường M&A hứa hẹn tăng nhiệt với nhiều thương vụ đầu tư quy mô lớn.
Tuy nhiên, hiện tại, có rất ít nhà phát triển bất động sản trong nước còn khả năng thu xếp được dòng vốn để mua trong bối cảnh thanh khoản sụt giảm, chi phí tài chính tăng cao. Lượng giao dịch các thương vụ tỷ đô được kỳ vọng tăng từ dòng vốn ngoại.
Số lượng nhóm đầu tư ngoại quan tâm tìm hiểu M&A dự án bất động sản tăng mạnh. Nổi bật trong đó là nhóm các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia... Song, hầu hết các thương vụ mới chỉ đang trong quá trình thẩm định, đàm phán.
Để có nhiều hơn nữa các thương vụ M&A diễn ra, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS kiến nghị cho phép chủ đầu tư "đuối sức", không đủ nguồn lực để triển khai dự án được chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án tương ứng với điều kiện tối thiểu là hoàn thành giải phóng mặt bằng.
"Khi doanh nghiệp đã 'đuối' làm gì còn nguồn lực để đầu tư giai đoạn tiếp theo. Do đó, tốt nhất là tạo điều kiện để họ chuyển giao cho chủ đầu tư có nguồn lực khác, tiếp tục triển khai thực hiện dự án", ông Đính nhận định.
Theo VARS, đầu năm ngoái, hoạt động M&A diễn ra sôi động với hàng loạt thương vụ lớn. Các doanh nghiệp bất động sản thâu tóm thêm nhiều quỹ đất lớn, từ dự án căn hộ cho đến các bất động sản công nghiệp, văn phòng... Tổng giá trị các giao dịch M&A quý I/2022 cao hơn cả tổng giá trị từng năm 2019-2021.
Trong đó, nhiều nhóm nhà đầu tư sẵn có dòng tiền lớn cũng đang tìm kiếm cơ hội, sẵn sàng rót vốn vào các dự án tiềm năng. Đáng chú ý, dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài đã và sẽ tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam trong thời gian tới. Đa số các nhà đầu tư này đều hướng đến các dự án có pháp lý tương đối hoàn thiện, để tránh rủi ro. Đây là cơ hội để các chủ đầu tư đang nắm giữ nhiều dự án "sạch" có thể bán hoặc hợp tác, tạo giá trị lợi ích cho cả hai bên.
Đơn cử, vào tháng 3/2023 vừa qua, thông tin Tập đoàn CapitaLand đàm phán mua tài sản trị giá khoảng 1,5 tỷ USD từ Vinhomes cũng gây nhiều chú ý. Nội dung đàm phán của CapitaLand và Vinhomes là về một số dự án của Vinhomes. Cụ thể, CapitaLand đang xem xét mua một phần dự án Ocean Park 3 của Vinhomes - một dự án phát triển theo phong cách thành phố nghỉ dưỡng rộng 294 ha gần thủ đô Hà Nội của Việt Nam, hoặc một dự án khác ở phía bắc thành phố Hải Phòng.
Hay trước đó, Tập đoàn Keppel công bố sẽ cùng quỹ đầu tư Keppel Việt Nam chi khoảng 3.180 tỷ đồng mua cổ phần 2 dự án Emeria có diện tích 6ha và Clarita với 5,8ha ở thành phố Thủ Đức của Tập đoàn Khang Điền. Theo kế hoạch, Keppel và Khang Điền sẽ cùng phát triển tổng cộng hơn 200 căn nhà liền thổ và 600 căn hộ chung cư trên tổng diện tích khoảng 11,8 ha (tổng chi phí phát triển hai dự án này bao gồm chi phí đất đai dự kiến khoảng 10.200 tỷ đồng).
Theo các chuyên gia, hoạt động M&A là một trong những hướng đi giúp doanh nghiệp có thể xoay xở dòng tiền trả nợ, tránh khỏi tình trạng sụp đổ, giải thể; đồng thời, mang đến dòng tiền để tiếp tục triển khai các dự án khác. Tuy nhiên, để dòng vốn ngoại tiếp tục chảy mạnh, trở thành "cú hích" cho thị trường, cơ quan chức năng cần tiếp tục cải thiện khung pháp lý cũng như chính sách khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam.